Khi biết mình nhiễm HIV, nhiều người thường cho rằng tất cả đều đã chấm hết. Họ bị nhiều chấn động về tâm lý như sợ hãi, khủng hoảng, suy sụp tinh thần ... Trong giai đoạn này, vai trò của tham vấn viên và thái độ cư xử của cộng đồng, gia đình, bạn bè là hết sức quan trọng để người nhiễm ổn định tâm lý và tiếp tục hòa nhập vào xã hội.
Giận dữ
Khi giận dữ, người ta thường đỏ mặt, nói to, quát mắng những những người xung quanh. Lúc này người nhiễm HIV thường cảm thấy bất yên, đi đi lại lại hoặc im lặng một cách bất thường, tránh nhìn mọi người, tự hành hạ mình. Đôi khi trong trạng thái giận dữ, người có HIV còn có thể có hành vi bạo lực với người khác hoặc tỏ ra không hợp tác. Nguyên nhân là do:
- Tự trách mình đã gây nhiễm cho người yêu, vợ, chồng hoặc con cái, hoặc làm khổ gia đình
- Tức giận với người đã lây nhiễm cho mình
- Tức giận với những hành vi, cử chỉ của người khác tạo cho mình cảm giác bị kỳ thị
- Tức giận với gia đình vì gia đình đã chối bỏ, không chấp nhận hoặc kỳ thị
Tư vấn tâm lý
Người có HIV cần làm gì?- Tìm người thích hợp để tâm sự về nỗi tức giận của mình (gia đình, bạn bè, những người mà mình tin tưởng và có thể thông cảm với mình)
- Nghĩ đến hậu quả của sự giận dữ. Hãy nghĩ đến đối tượng mà mình thể hiện sự tức giận là ai và những kết quả của sự giận dữ với người đó và ngay với ngay chính bản thân mình.
- Nhớ lại kinh nghiệm của mình trong những lần giận giữ trước và cách để làm cho mình bình tĩnh lại.
Người chăm sóc cần làm gì?
- Tìm hiểu nguyên nhân của sự giận dữ từ đó mà tìm cách khuyên giải
- Để nguời có HIV nói về nỗi tức giận của mình, điều này thường giúp làm tiêu tan nỗi giận dữ. Cố gắng cho thấy rằng bạn hiểu tình cảnh của người ấy bằng cách nói ra.
- Khi người đó đã bình tĩnh lại, hãy giúp họ nhận ra hậu quả của sự giận giữ đó.
Sợ hãi và lo lắng
Nguyên nhân của sự lo lắng thường do:
- Sợ vì nghĩ rằng cái chết của mình đã được báo trước
- Lo sợ lây nhiễm cho gia đình
- Lo sợ bị mất việc làm
- Lo sợ vì không có thuốc chữa
- Lo sợ không có đủ tiền mua thuốc
- Lo sợ hàng xóm, bạn bè biết sẽ xa lánh, kỳ thị
- Sợ bị gia đình bỏ rơi
Người có HIV nên làm gì?
- Tìm hiểu thêm thông tin, đến cơ sở tư vấn để được hướng dẫn cách phòng lây nhiễm cho những người xung quanh
- Đến các trung tâm tư vấn, cơ sở y tế hoặc tìm đọc các tài liệu thích hợp để biết cách giữ gìn sức khoẻ, tăng cường khả năng miễn dịch và đề phòng các nhiễm trùng cơ hội
- Tìm đến các cơ sở y tế, tư vấn, tổ chức của những người nhiễm để được giải đáp cho những lo lắng của mình
- Tham gia vào các hoạt động thể lực và giao tiếp với mọi người tránh để thừa thời gian dẫn đến những suy nghĩ và lo lắng không cần thiết
Người chăm sóc nên làm gì?
- Người thân nên hỗ trợ về mặt tinh thần, gần gũi với người có HIV để họ luôn cảm thấy được chia sẻ.
- Khi người có HIV ở trong trạng thái bình tĩnh nên có những cử chỉ, hành động khuyến khích họ ra khỏi sự sợ hãi, lo lắng, xác định nguyên nhân gây nên sự sợ hãi và cùng họ tìm giải pháp cho những nguyên nhân đó.
- Gợi ý các hoạt động mà có thể làm cho người có HIV không còn chỉ nghĩ đến nỗi sợ hãi/ lo lắng của mình.
Tâm lý người nhiễm HIV
Cô đơn, tự kỳ thịSự kỳ thị thường bắt đầu khi các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ hoặc khi bạn tình hoặc vợ, chồng của mình chết vì AIDS. Trạng thái cô đơn xuất hiện khi người có HIV cảm thấy là không ai chia sẻ những khó khăn, trăn trở của mình hoặc không ai hiểu mình. Người có HIV lúc đó thường cảm thấy cô đơn và vô vọng.
Nguyên nhân là do:
- Do bị người khác kỳ thị, phân biệt, đối xử, xa lánh
- Cảm thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với gia đình vì mình sống buông thả hoặc không cẩn thận
- Không có người để chia sẻ và tâm sự những lo lắng và suy nghĩ của mình và không ai hiểu mình
- Cảm giác mình là người thừa trong gia đình do gia đình không quan tâm
- Cảm thấy vô dụng, là gánh nặng cho gia đình hoặc cảm thấy cô đơn và vô vọng
- Người có HIV nên chủ động vượt qua cảm giác tự kỳ thị và cô đơn bằng cách tự hoà nhập vào các hoạt động của gia đình, bạn bè, cộng đồng và cơ sở làm việc
Người có HIV nên làm gì?
- Cố gắng hoà nhập vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng để thấy rằng mình vẫn còn có ích cho gia đình và cộng đồng.
- Tìm công việc thích hợp với sức khoẻ của mình để đóng góp cho gia đình và xã hội
- Gặp gỡ, nói chuyện và có các hoạt động cùng người có HIV
- Tìm ra những ưu điểm, mặt mạnh và khả năng vốn có của mình và phát huy những ưu điểm đó để đóng góp cho gia đình và xã hội
Người chăm sóc nên làm gì?
- Quan tâm, chú ý đến người có HIV hoặc dành thời gian ở bên cạnh họ mặc dù họ có thể không muốn trò chuyện
- Lắng nghe một cách thông cảm, đảm bảo tính bí mật của các thông tin mà người có HIV nói
- Tìm hiểu nguyên nhân của sự kỳ thị, giúp người có HIV suy nghĩ một cách tích cực
- Các thành viên trong gia đình cần tỏ rõ sự thông cảm và đón nhận người có HIV, coi người đó như một người bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý sự quan tâm thái quá đôi khi làm cho người nhiễm HIV cảm thấy tự kỳ thị
- Hỗ trợ về mặt tinh thần bằng cách cung cấp thông tin về các tiến bộ trong điều trị và chăm sóc cũng như thông tin về các hoạt động của những người nhiễm khác
- Hỗ trợ và khuyến khích người nhiễm gặp gỡ, trao đổi và tham gia các hoạt động cùng những người nhiễm khác theo mô hình câu lạc bộ hoặc các nhóm đồng đẳng
Tâm lý thường gặp
Buồn bã, trầm uấtNguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do:
- Không có điều kiện để điều trị hoặc điều trị không có kết quả
- Cảm thấy bế tắc, không có lối thoát do không có điều kiện để điều trị hoặc bị bỏ rơi
- Cảm giác mất mát hết: công việc, người thân, tiền bạc, sức khoẻ
- Mất niềm tin, bị thất vọng.
Người có HIV nên làm gì?
- Tìm cách giải trí để thay đổi tâm trạng như đi xem phim, xem TV, ca nhạc
- Tìm một người bạn hoặc người đáng tin cậy để tâm sự về trạng thái tâm lý của mình
- Tự xác định nguyên nhân của tình trạng trầm uất của mình và quyết định một giải pháp cho nguyên nhân gây ra trầm uất
- Tìm gặp những người có thể hỗ trợ mình trong việc giải quyết các nguyên nhân gây trầm uất cho mình để yêu cầu giúp đỡ
- Nhớ lại kinh nghiệm của mình trong việc đối phó với tình trạng trầm uất trước đây và làm theo
- Nếu sau khi đã cố gắng tự giải mà vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uát thì cần đến bác sỹ để được điều trị
- Sau khi đã thoát khỏi tình trạng trầm uất, cần giải quyết sớm các nguyên nhân đã gây nên trầm uất cho mình để tránh bị trầm uất trở lại.
Người chăm sóc nên làm gì?
- Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến người nhiễm HIV mặc dù họ không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình
- Chú ý và khích lệ người có HIV nói về cảm xúc của mình. Hỗ trợ về mặt tinh thần cho người nhiễm để họ có thể giải quyết các vấn đề của mình
- Lắng nghe một cách cảm thông và chú ý đến từng lời nói của họ
- Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trầm uất và hỗ trợ một cách tốt nhất để giải quyết
- Sau khi đã tìm cách giúp đỡ mà người nhiễm vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uất thì nên đưa họ đến một chuyên gia hoặc bác sỹ tâm lý để được chăm sóc và điều trị thích hợp về mặt chuyên môn
- Sau khi người nhiễm HIV đã được điều trị cần chú ý hỗ trợ họ để tránh lặp lại các nguyên nhân gây trầm uất.
TH
Chú ý: Nếu bạn muốn tâm sự, chia sẻ hay muốn tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn tâm lý về mọi vấn đề trong cuộc sống, hãy gọi đến số điện thoại 19008909 hoặc 19008908 để được hỗ trợ kịp thời.
http://www.cachchuabenh.net/tam-ly-thuong-gap/tam-ly-nguoi-nhiem-hiv-n94-2417
0 comments:
Đăng nhận xét